Châu Phi, một vùng đất phong phú của những sinh vật kỳ lạ và độc đáo, đã tạo nên sự đa dạng từ hình dạng, đặc điểm sinh học cho đến chiến thuật sinh tồn. Trong số này, dế bọc thép châu Phi (Acanthoplus discoidalis), được coi là một sinh vật đặc biệt.
Dế bọc thép châu Phi, như tên gọi của nó, có chiều dài khoảng 5 cm và được trang bị những chiếc gai nhỏ sắc nhọn trên ngực và chân cùng với cặp hàm cắn mạnh mẽ. Đặc biệt, chúng còn có khả năng phun máu khi bị tấn công. Ngoài ra, con đực còn có thể tạo ra âm thanh lớn và chói tai bằng cách cọ xát các bộ phận cơ thể với nhau trong hành vi được gọi là stridulation.
Với nhiều tên gọi như dế bụi bọc thép, dế đất bọc thép, katydid bọc thép, dế ngô, setotojane và koringkrieke, dế bọc thép châu Phi được coi là một loài gây hại ở châu Phi. Chúng ăn kê và lúa miến (sorghum). Đặc biệt, ở Namibia, dế bọc thép được coi là một sinh vật hoang dã đáng sợ khi chúng gây ra nhiều thiệt hại cho cây trồng trong mùa từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm.
Để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt này và tránh khỏi những kẻ săn mồi, dế bọc thép châu Phi đã tiến hóa và phát triển nhiều biện pháp phòng thủ đáng chú ý.
Biện pháp phòng thủ đầu tiên của dế bọc thép là “bộ giáp” bên ngoài vô cùng cứng cáp, tương tự như vỏ thép, giúp bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi. Ngoài ra, phần ngực của dế còn được bao phủ bởi những chiếc gai sắc nhọn.
Biện pháp phòng thủ thứ hai của chúng đến từ cặp hàm mạnh mẽ và khả năng cắn để hút máu. Cả con đực và con cái đều có thể cắn mạnh nếu bị tấn công.
Biện pháp phòng thủ thứ ba chỉ có ở dế bọc thép đực. Con đực có thể tạo ra âm thanh lớn và chói tai bằng cách cọ xát các bộ phận cơ thể với nhau (gọi là stridulation). Khi bị tấn công từ bên cạnh, con đực sẽ stridulation để đe dọa hoặc cảnh báo kẻ săn mồi.
Biện pháp phòng thủ thứ tư của dế bọc thép đến từ khả năng phun máu. Nếu những lớp giáp cứng cáp, gai nhọn, hàm mạnh và âm thanh chói tai không ngăn chặn được động vật săn mồi, dế bọc thép sẽ phun máu từ các đường nối trong bộ xương ngoài của chúng. Máu của chúng có màu vàng chanh nhạt, có mùi hăng và khó chịu. Dế có thể phun máu ở khoảng cách lên đến 6 cm.
Cuối cùng, nếu tất cả những biện pháp trên không hiệu quả, dế bọc thép sẽ sử dụng biện pháp cuối cùng là nôn ra thức ăn trong dạ dày để phủ kín cơ thể bằng chất nôn. Mùi khó chịu từ những chất nôn này có thể đuổi xa những kẻ ăn thịt.
Mặc dù dế bọc thép châu Phi sở hữu 5 tuyến phòng thủ vượt trội, được triển khai tùy theo tình huống và mức độ nguy hiểm khác nhau, tuy nhiên, có một tuyến phòng thủ trong số này có thể trở thành điểm yếu. Đó là tuyến phòng thủ thứ tư – phun máu. Điều này khiến cho con dế trở thành con mồi dễ dàng cho các dế đồng loại. Khi một con dế bọc thép phun máu để đẩy lùi kẻ săn mồi, mùi máu trên cơ thể của nó thu hút sự chú ý lớn từ những con dế khác. Những con dế khác có thể nhầm rằng con dế đã phun máu là con mồi bị thương và sẽ cố gắng tấn công nó.
Loài dế bọc thép châu Phi ăn thịt đồng loại khi chúng thiếu protein và muối trong chế độ ăn của chúng, trong khi những con dế khác là nguồn cung cấp tốt các chất dinh dưỡng này.